Virtual Production là một bước đột phá mới trong ngành công nghiệp điển ảnh và truyền hình. Đây là kỹ thuật lồng ghép giữa quay phim truyền thống và công nghệ đồ họa hiện đại, hỗ trợ con người thực hiện những cảnh quay phức tạp khó thực hiện ngoài đời thực. Nó giúp tối ưu chi phí, thời gian và nguồn nhân lực trong quá trình sản xuất.
Virtual Production là gì?
Virtual Production được tạm dịch là phim trường ảo hay sản xuất ảo, là phương thức sản xuất mới có sự kết hợp giữa công nghệ ảo và thực. Môi trường kỹ thuật số được sử dụng giúp kết quả quay phim và sản xuất nội dung trở nên cuốn hút, hấp dẫn, thay thế cho các ảnh quay khó thực hiện ngoài đời thực.
Các công nghệ hiện đại được sử dụng trong Virtual Production như màn hình LED lớn, hệ thống Motion Capture giúp theo dõi chuyển động, phần mềm đồ họa thời gian thực,… Diễn viên có thể diễn xuất trong môi trường ảo một cách trực quan, điều này giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất phim, giảm chi phí và thời gian cho hậu kỳ.
Tuy nhiên ở giai đoạn đầu khi lên kế hoạch thiết kế và dựng bối cảnh 3D nhà làm phim có thể sẽ phải tốn một khoản phí lớn để đầu tư vào máy móc, màn hình,… Sau khi phim trường được lắp ráp và dàn dựng xong sẽ tiến hành quay phim trong chính phim trường thực và ảo đó.
Hiện nay Virtual Production không chỉ được ứng dụng trong ngành công nghiệp điện ảnh mà còn sử dụng trong sản xuất truyền hình, quảng cáo và các trò chơi. Nó giúp nâng cao chất lượng hình ảnh và trải nghiệm của người xem, đồng thời còn tăng tỷ lệ tương tác, mang lại nhiều lợi ích trong ngành truyền thông.
Ưu và nhược điểm của Virtual Production
Như đã nói, Virtual Production mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình. Tuy nhiên song song đó nó cũng còn một số điểm hạn chế chưa thể khắc phục hoàn toàn. Dưới đây là những ưu và nhược điểm chính của Virtual Production:
Về ưu điểm
- Tính linh hoạt cao: Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của Virtual Production. Các bối cảnh được tạo ra có khả năng thay đổi linh hoạt giúp quá trình quay phim dễ dàng hơn. Những cảnh quay khó sẽ được tái hiện ngay trong chính phim trường ảo mà không cần thực hiện ngoài đời thực, thay thế cho những cảnh hành động mà con người khó có thể thực hiện.
- Giảm chi phí và thời gian sản xuất: Virtual Production giúp nhà làm phim tiết kiệm kha khá chi phí cho việc dựng bối cảnh, không cần bỏ tiền để di dời địa điểm quay bởi mọi thứ có thể thực hiện trong chính phim trường ảo. Không những thế, phần hậu kỳ cũng sẽ đỡ rắc rối hơn bởi trong quá trình quay đã có ứng dụng các kỹ xảo, hiệu ứng đặc biệt, vì thế thời gian chỉnh sửa sẽ được rút ngắn đáng kể.
- Tăng khả năng sáng tạo: Virtual Production giúp nhà làm phim có không gian sáng tạo không giới hạn. Họ có thể tạo ra những bối cảnh đặc sắc ngay trên các màn hình LED, không bị ràng buộc về mặt địa lý, vật lý.
- Giảm thiểu rủi ro từ các yếu tố ngoại cảnh: So với việc quay phim ngoài trời, phim trường ảo có thể đáp ứng đầy đủ các yếu tố từ ánh sáng, kỹ xảo, hiệu ứng,… giúp nhà làm phim giảm thiểu các rủi ro đến từ các yếu tố ngoại cảnh (ánh sáng, thời tiết không phù hợp). Toàn bộ cảnh quay sẽ được kiểm soát dễ dàng bên trong phim trường mặc cho bên ngoài là mưa giông, tuyết rơi,…
Về nhược điểm
- Chi phí đầu tư ban đầu cao: Mặc dù giúp nhà sản xuất tiết kiệm được chi phí cho phần hậu kỳ, tuy nhiên ban đầu khi đầu tư làm Virtual Production cũng cần bỏ ra một khoản phí lớn. Chẳng hạn chi phí mua màn hình LED, trang thiết bị, hệ thống camera tracking, phần mềm Unreal Engine,…
- Cần kỹ năng kỹ thuật cao: Đối với việc quay phim trong phim trường ảo sẽ đòi hỏi đội ngũ sản xuất phải có trình độ kiến thức vững, chuyên môn chuyên sâu về các công nghệ số và công cụ đồ họa.
- Giới hạn một số hiệu ứng chân thực: Virtual Production ứng dụng các kỹ xảo, kỹ thuật tiên tiến giúp tạo ra môi trường quay phim hiện đại. Tuy nhiên một số hiệu ứng ảo sẽ không đảm bảo được mức độ chân thực của các cảnh quay. Do đó một vài chi tiết khi diễn viên tương tác trong bối cảnh ảo sẽ không được trọn vẹn, gây cảm giác không tự nhiên.
- Phụ thuộc vào công nghệ: Đây là một trong những nhược điểm dễ thấy của phim trường ảo. Khi gặp sự cố kỹ thuật trong quá trình sản xuất sẽ cần dừng quay để khắc phục chúng. Chính vì thế thường các bối cảnh ảo phải được kiểm tra định kỳ, bảo trì và cập nhật liên tục.
- Giảm bớt yếu tố thực tế: Diễn viên khi tham gia diễn xuất trên phim trường ảo có thể gặp khó khăn do không quen tương tác với bối cảnh ảo. Điều này có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và hiệu suất diễn xuất, đặc biệt khi các bối cảnh ảo quá phức tạp hoặc không đủ chân thực.
Virtual Production mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình, tuy nhiên cũng không tránh khỏi các hạn chế nhất định được đề cập bên trên. Mặc dù vậy sự xuất hiện của Virtual Production cũng là bước đột phá mới mở ra một kỷ nguyên sáng tạo, giúp ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng phát triển.
Yếu tố tạo nên một Virtual Production hoàn chỉnh
Để tạo nên một Virtual Production hoàn chỉnh cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố như:
Màn hình LED và hiển thị thời gian thực
- Màn hình LED khổng lồ thay thế cho phông nền xanh truyền thống, hiển thị bối cảnh bằng hình ảnh 3D trực quan, sống động. Diễn viên có thể tương tác trực tiếp với bối cảnh trong màn hình, thay cho các đạo cụ vật lý.
- Phần mềm hiển thị thời gian thực giúp hình ảnh 3D thay đổi theo yêu cầu của đạo diễn hoặc khi máy quay chuyển động. Nhờ đó nhà sản xuất có thể quan sát và theo dõi kết quả quay ngay lập tức mà không cần chờ đợi.
Phần mềm đồ họa thời gian thực (Real-Time Graphics)
- Phần mềm Unreal Engine và Unity được sử dụng trong phim trường ảo giúp dựng cảnh quay 3D chi tiết, chân thực hơn. Độ sáng và các bối cảnh dễ dàng được điều chỉnh nhờ phần mềm này.
- Công nghệ đồ họa thời gian thực có tính linh hoạt cao giúp tối ưu quá trình sản xuất phim, tiết kiệm thời gian và cho phép nhà làm phim dễ dàng thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo mới.
Camera Tracking (Theo dõi chuyển động camera)
- Hệ thống theo dõi chuyển động cảm biến sẽ là công cụ đắt lực trong quá trình sản xuất phim. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong Virtual Production, giúp theo dõi chuyển động của camera, đồng bộ bối cảnh ảo một cách dễ dàng. Theo đó, khi máy quay thay đổi góc, di chuyển sẽ đồng bộ với bối cảnh ảo, đảm bảo các yếu tố hình ảnh phối hợp nhịp nhàng.
- Camera Tracking còn giúp tăng cường liên kết yếu tố thực tế và yếu tố ảo, mô phỏng cảm giác như máy quay đang di chuyển trong không gian thực, mặc dù đó chỉ là những bối cảnh ảo.
Motion Capture (Bắt chuyển động)
- Công nghệ này giúp bắt kịp các chuyển động của diễn viên, áp dụng chuyển động đó vào trong môi trường kỹ thuật số một cách sống động và chân thực. Motion Capture thường được sử dụng để tạo chuyển động cho các nhân vật đồ họa.
- Công nghệ này được sử dụng phổ biến trong sản xuất phim thực tế ảo, phim hoạt hình, chẳng hạn như phim Avatar, The Jungle Book,… Trong đó các nhân vật có yếu tố hư cấu không tồn tại trong thế giới thực. Nhờ công nghệ Motion Capture, diễn viên có thể tương tác với nhân vật ảo như thật.
Bối cảnh ảo và Dựng hình 3D
- Khâu dựng bối cảnh có thể nói là khâu quan trọng nhất trong Virtual Production. Nhờ các phần mềm đồ họa hiện đại, nhà sản xuất có thể xây dựng bối cảnh ảo, tạo ra các nhân vật 3D, hình ảnh 3D sắc nét với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, kết cấu như nhân vật và bối cảnh ngoài đời thật.
- Bên cạnh tạo ra các hình ảnh tĩnh, bối cảnh ảo còn có khả năng chuyển động, thay đổi và tương tác với diễn viên giúp cảnh quay trở nên sống động hơn.
Simultaneous Post-Production (Hậu kỳ đồng thời)
- Sau khi đã có được các cảnh quay như kế hoạch, chúng sẽ được xử lý lại ở khâu hậu kỳ. Cụ thể ở quá trình này nhà sản xuất sẽ thêm các hiệu ứng cần thiết, điều chỉnh hình ảnh, màu sắc hay ánh sáng để cảnh quay trở nên chân thực, sắc nét hơn. Nhờ có Virtual Production mà hậu kỳ trở nên đơn giản và tiết kiệm thời gian thực hiện.
Bên cạnh các yếu tố kể trên, để đem lại thành công cho một phim trường ảo còn cần sự góp sức của đội ngũ kỹ thuật viên, người quản lý dự án, người đảm nhận vai trò sáng tạo, điều chỉnh âm thanh, ánh sáng,… Khi tất cả các yếu tố kể trên được tích hợp và phối hợp hiệu quả, Virtual Production sẽ mở ra những khả năng mới và đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình.
Một số ví dụ về ứng dụng Virtual Production trong công nghiệp điện ảnh
Virtual Production mở ra nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình. Một số ví dụ điển hình về các bộ phim sử dụng công nghệ này để tạo ra các cảnh quay sống động, chân thực và ấn tượng:
- Phim The Mandalorian (2019 – nay) – Lucasfilm/Disney+:
Phim The Mandalorian là một trong những dự án đầu tiên và nổi bật nhất sử dụng công nghệ Virtual Production với màn hình LED khổng lồ để thay thế phông nền xanh truyền thống.
Bộ phim được quay tại một phim trường ảo mang tên The Volume, nơi các cảnh quay 3D được hiển thị trực tiếp trên màn hình LED, tạo ra những cảnh quan từ sa mạc, hành tinh xa xôi đến các thế giới giả tưởng.
Kỹ thuật này giúp đoàn làm phim tạo ra bối cảnh ảo ngay tại trường quay và thay đổi chúng theo thời gian thực mà không cần di chuyển đến nhiều địa điểm thực tế.
- Phim The Lion King (2019) – Disney:
Phiên bản làm lại của The Lion King do Jon Favreau đạo diễn đã sử dụng Virtual Production để mô phỏng các cảnh quay trong môi trường thực tế ảo (VR). Đội ngũ làm phim đã sử dụng một không gian VR để điều chỉnh camera và cảnh quay trong môi trường ảo trước khi dựng hình 3D hoàn chỉnh.
Mặc dù bộ phim hoàn toàn là hoạt hình, nhưng nó được xử lý giống như một bộ phim quay trong không gian thực, với công nghệ VR và đồ họa thời gian thực để thiết lập bố cục và góc quay.
- Phim The Jungle Book (2016) – Disney:
Tương tự như The Lion King, The Jungle Book cũng sử dụng kỹ thuật Virtual Production trong suốt quá trình quay. Mặc dù bộ phim có các nhân vật động vật hoàn toàn bằng CGI, nhưng cảnh quay diễn ra trong môi trường ảo được chiếu trên màn hình LED và tích hợp với diễn viên thực. Điều này giúp tạo ra sự tương tác chân thực giữa diễn viên và bối cảnh ảo.
- Phim Gravity (2013) – Warner Bros:
Gravity của đạo diễn Alfonso Cuarón là một ví dụ tiêu biểu khác của Virtual Production. Bộ phim mô tả câu chuyện sinh tồn ngoài không gian, với hầu hết các cảnh quay đều diễn ra trong môi trường CGI.
Các diễn viên như Sandra Bullock đã phải diễn xuất trong môi trường quay hạn chế với các hiệu ứng ảo được tạo ra ngay sau đó. Cảnh quay ngoài không gian trong Gravity không thể thực hiện tại phim trường truyền thống, và Virtual Production giúp xây dựng không gian vô trọng lực chân thực.
Tóm lại, Virtual Production không chỉ cải thiện quy trình sản xuất mà còn nâng cao trải nghiệm của khán giả, đưa ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình vào một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn và sáng tạo. Ngày nay, công nghệ này được ứng dụng trong sản xuất quảng cáo, đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho người xem, nâng tầm thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp.