Search
Close this search box.

Mục lục

E-learning là một hình thức giáo dục, đào tạo và chia sẻ kiến thức thông qua nền tảng trực tuyến online. Có rất nhiều ngành có thể áp dụng được hình thức này như giáo dục học thuật, đào tạo doanh nghiệp, các khóa học phát triển kỹ năng. Tham khảo nội dung dưới đây để nắm rõ quy trình 07 bước làm video bài giảng E-learning trở nên hấp dẫn. 

Những thông tin cần biết về E-learning

Trước khi tìm hiểu quy trình xây dựng bài giảng video E-learning, bạn cần hiểu rõ về khái niệm này và những thông tin liên quan đến nó.

Khái niệm E-learning

E-learning (Electronic Learning) có nghĩa là đào tạo trực tuyến. Đây là một hình thức học tập mới cho phép việc đào tạo và giảng dạy được thực hiện thông qua một hệ thống kết nối với mạng Internet. Hình thức này có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:

  • Giáo dục học thuật
  • Đào tạo doanh nghiệp
  • Phát triển chuyên ngành
  • Các khóa học phát triển kỹ năng

Sự phát triển của E-learning đã có từ rất lâu nhưng đến thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mới thật sự là lúc E-learning được ứng dụng rộng rãi. Nguyên nhân là do hệ thống giáo dục tại chỗ bị ngưng trệ hoàn toàn, dẫn đến nhu cầu về các giải pháp học trực tuyến tăng đột biến.

Lịch sử ra đời của E-learning

Vào tháng 11/1999, thuật ngữ E-learning ra đời do một chuyên gia giáo dục người Mỹ là Elliott Masie đặt tên. Ông đã từng phát biểu tại Hội nghị TechLearn rằng: “E-learning là hình thức sử dụng công nghệ mạng để thiết kế, cung cấp, quản lý và mở rộng việc giáo dục”.

Đến năm 2000, E-learning đã thực hiện một bước nhảy vọt khi được cách mạng hóa, sử dụng phổ biến trên thiết bị di động, máy tính bảng.

Lợi ích của E-learning đối với doanh nghiệp

Riêng đối với doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, việc sử dụng E-learning được xem là điều cần thiết nhằm mục đích quản lý đào tạo và phát triển nhân viên. Chẳng hạn như dạy họ những kiến thức, kỹ năng mới, cập nhật và nâng cao trình độ.

E-learning là hình thức đào tạo và giáo dục trực tuyến đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân

Việc học tập và đào tạo trực tuyến bằng E-learning đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như:

  • Giảm chi phí đào tạo: Khi dùng E-learning, doanh nghiệp của bạn không cần phải bỏ ra quá nhiều chi phí để thuê lớp học, phí tổ chức hội thải hay tốn kém chi phí đi lại. Chỉ cần có thiết bị điện tử như máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet là bạn đã có thể tham gia lớp học trực tuyến E-learning.
  • Phạm vi phủ sóng rộng lớn: So với đào tạo tại chỗ, việc đào tạo từ xa thông qua hình thức E-learning trực tuyến hoàn toàn không có bất cứ rào cản nào. Doanh nghiệp có thể đào tạo cùng lúc hàng trăm, hàng ngàn nhân viên với cùng một nội dung thống nhất. Tất cả nhân viên từ những nơi khác nhau cũng không phải mất quá nhiều thời gian để đến lớp học. Tất cả những gì họ cần làm chính là chuẩn bị một thiết bị điện tử có kết nối mạng internet ổn định.
  • Có hệ thống quản lý dữ liệu: Đối với học E-learning trực tuyến, nội dung bài giảng hoặc những kiến thức mới sẽ được lưu trữ lại bởi hệ thống quản lý học tập. Tất cả thông tin sẽ được lưu trữ, phân loại và triển khai lại khi cần thiết. Nói dễ hiểu hơn thì nó giống như một thư viện online, nơi mà bất cứ học viên nào cũng có thể truy cập vào để lấy tài liệu học tập.
  • Dễ dàng theo dõi tiến độ học tập: Người trực tiếp hướng dẫn kiến thức tuy không thể gặp trực tiếp trao đổi để đánh giá năng lực. Nhưng thông qua hệ thống quản lý học tập, các phân tích tự động sẽ giúp họ đánh giá được năng lực của học viên dưới dạng báo cáo và biểu đồ.

Các loại nội dung E-learning

  • Video bài giảng E-learning dạng slide powerpoint
  • Sách điện tử
  • Screencast (video ghi màn hình)
  • Postcast

Mỗi loại đều có thế mạnh riêng và phù hợp với từng mục tiêu học tập, giảng dạy khác nhau. Tùy theo loại nội dung và mục tiêu, bạn có thể chọn hình thức E-learning phù hợp. Điều quan trọng cần phải nhớ chính là xác định đúng đối tượng và mục tiêu học tập.

Quy trình 7 bước làm video bài giảng E-learning hiệu quả

Quá trình triển khai E-learning đòi hỏi nhiều yếu tố như khả năng thiết kế, teamwork và tài chính. Điển hình như một doanh nghiệp cần triển khai E-learning, chỉ riêng việc chuẩn bị có thể mất từ 1 tuần cho đến 1 năm, tùy thuộc vào quy mô của dự án.

Để quá trình làm video bài giảng E-learning hiệu quả và hấp dẫn, bạn cần lập kế hoạch chi tiết . Quy trình 7 bước dưới đây sẽ giúp bài giảng E-learning của bạn thành công:

Bước 1: Tiến hành phân tích nhu cầu

Việc phân tích nhu cầu sẽ giúp bạn thực hiện quá trình đào tạo một cách hiệu quả.

Xác định mục tiêu và mục đích đào tạo:

Bước đầu tiên để làm video bài giảng E-learning đó là tìm ra lý do tại sao mọi người lại cần tham gia vào bài giảng này? Bạn muốn đạt được điều gì khi thực hiện khóa học này.

Xác định đối tượng mục tiêu

Trước khi bắt đầu làm video bài giảng E-learning, hãy xem xét kỹ hơn về đối tượng học tiềm năng. Đồng thời, trả lời các câu hỏi cụ thể sau:

Xác định đúng đối tượng mà video bài giảng E-learning muốn hướng tới để đạt hiệu quả cao khi triển khai
  • Có bao nhiêu học viên?
  • Chức danh, công việc của họ là gì (nhân sự, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên bán hàng…)?
  • Các số liệu về nhân khẩu học, đặc điểm học viên? Chẳng hạn như độ tuổi trung bình, trình độ học vấn, nơi ở, thiết bị đang sử dụng, trình độ sử dụng máy tính…
  • Người học đã từng tiếp xúc với chủ đề này chưa? Hoặc trước đó đã từng được đào tạo qua lĩnh vực này lần nào chưa?

Xác định nền tảng học trực tuyến

Bước tiếp theo trong bạn cần làm đó là cách bạn sẽ cung cấp khóa học của mình đến với học viên. Hãy dựa vào cách bạn muốn truyền tải nội dung E-learning để lựa chọn định dạng và loại phần mềm phù hợp.

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng phần mềm E-learning khác nhau, người dùng có thể triển khai trực toàn bộ các bài giảng, kiểm tra, tương tác… thông qua trực tuyến.

  • FPT.eLearning
  • Phần mềm lạc Việt E-learning
  • VNPT E-learning
  • VnResource E-learning Pro
  • Canvas LMS
  • Moodle
  • MindFlash
  • Gitiho
  • LotusLMS

Chuẩn bị công cụ biên sọan nội dung E-learning

Đây sẽ là công cụ giúp bạn biên soạn toàn bộ nội dung trong video bài giảng E-learning. Tùy theo khả năng sử dụng và mục đích bài giảng mà bạn có thể chọn lựa bộ công cụ phù hợp. Một ví dụ điển hình đó là công cụ Powerpoint theo chuẩn SCORM.

Bước 2: Thực hiện phân tích nội dung

Khi đã xác định được lý do và đối tượng thực hiện video bài giảng E-learning, bạn cần đi sâu phân tích nội dung. Vì cho dù bài giảng có được thiết kế tốt đến mấy nhưng phần nội dung lại không đem lại giá trị thực sự cũng sẽ không đem lại thành công cho khóa học.

Ở bước này, bạn cần thực hiện các phân tích sau đây:

  • Xác định rõ ràng ngay từ đầu những kiến thức hoặc kỹ năng gì mà học viên sẽ nhận được sau khi hoàn thành khóa học.
  • Bạn có thể trao đổi với chuyên gia về chủ đề nội dung. Họ chính là nguồn thông tin lớn vừa mang đến những ý tưởng giúp bạn phát triển và xây dựng nội dung bài giảng E-learning hiệu quả. Đồng thời, giúp kiểm tra và xác thực nội dung, đảm bảo dự án luôn đi đúng hướng.
  • Lên ý tưởng về dạng nội dung sẽ thực hiện trong từng phần của bài giảng. Chẳng hạn như khái niệm, quy trình, quy tắc… Bước này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan, nhìn thấy sự liên kết của thông tin, sắp xếp thông tin sao cho phù hợp.

Bước 3: Xây dựng Storyboard bài giảng

Sau khi đã chia nhỏ các đề mục nội dung từ chính đến phụ, bạn có thể dựa vào đó để xây dựng một storyboard bài giảng. Bao gồm tất cả thông tin như tiêu đề, tên slide, văn bản… dưới dạng ảnh, biểu tượng, biểu đồ, đồ họa thông tin hoặc video.

Bước 4: Viết kịch bản

Khi đã có một bản nội dung hoàn chỉnh hãy tiến hành xây dựng kịch bản hoàn chỉnh. Kịch bản được xem là chìa khóa quan trọng quyết định sự thành công của video bài giảng E-learning. Tùy vào khả năng thực hiện, bạn có thể tự viết kịch bản hoặc thuê người có chuyên môn viết. Hãy phối hợp với họ để cung cấp kiến thức, trao đổi ý tưởng để chuyển thể thành kịch bản tốt nhất.

Bước 5: Chọn dạng video

Ở bước này, bạn sẽ tiến hành chọn đúng loại video phù hợp với phong cách bài giảng E-learning. Tùy từng chủ đề để chọn loại phù hợp:

  • Ghi hình: Đây là bản ghi màn hình về toàn bộ nội dung và các thao tác của bạn trên thiết bị.
  • Short video: Những video ngắn với thời lượng chỉ từ 10 – 15 giây. Trong một bài giảng E-learning sẽ gồm một chuỗi nhiều video trực quan để truyền đạt thông tin.
  • Diễn xuất: Những tình huống cụ thể sẽ được nhân vật nhập vai để cung cấp, truyền đạt thông tin và tăng tương tác.
  • Video thuyết trình: Nội dung sẽ được truyền đạt bởi người thuyết trình, họ sẽ đứng trước camera. Hoặc video ghi lại bài giảng do giảng viên trình bày trên nền bảng đen trắng.
  • Đồ họa: Dạng video này được thiết kế với nội dung có sẵn và lồng ghép thêm hiệu ứng, đồ họa, animation và văn bản.
  • Video tương tác: Dạng video này giúp gợi lên sự tương tác giữa người dạy và người học bằng cách cung cấp cho người xem sự lựa chọn khi có tình huống xảy ra.

Bước 6: Âm thanh

Khi đã có sẵn kịch bản, bạn có thể tiến hành ghi âm giọng nói hoặc đọc lời bình cho bài giảng. Bạn có thể tự làm hoặc nhờ người lồng tiếng chuyên nghiệp để giúp bài giảng được sinh động và thu hút hơn.

Âm thanh đóng vai trò quan trọng trong video bài giảng E-Learning

Nhưng dù dùng cách nào bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Không gian thu âm: Chọn nơi yên tĩnh nhất có thể để thu âm, nếu bạn không có phòng thu âm chuyên nghiệp.
  • Micro: Sử dụng micro chất lượng tốt để tạo video bài giảng E-learning chất lượng. Điều này cực kỳ quan trọng vì nó quyết định khả năng truyền tải thông tin của bạn, âm thanh, giọng nói rõ ràng sẽ giúp người nghe dễ tiếp thu hơn. Nếu cần thiết bạn có thể trang bị thêm bộ lọc Pop để giúp cải thiện chất lượng âm thanh, giảm tạp âm gây nhiễu.
  • Chuẩn bị giọng nói: Một giọng đọc truyền cảm, phát âm rõ chữ và dễ nghe sẽ giúp bài giảng E-learning chất lượng, đạt hiệu quả truyền tải tốt hơn.

Bước 7: Kiểm tra và đánh giá

Ở bước cuối cùng này, mọi thứ gần như đã hoàn thiện, bạn chỉ cần tiến hành kiểm tra thật kỹ từng phần một và đánh giá toàn bộ nội dung, hình thức khi đã được liên kết với nhau.

Sẽ có nhiều điều cần làm trong bước này, cụ thể gồm:

  • Kiểm tra nội dung chữ, font chữ, kích cỡ chữ, hình ảnh…;
  • Đảm bảo rằng video bài giảng E-learning của bạn đã được thiết kế tối ưu hóa với tất cả các thiết bị điện tử, bao gồm cả điện thoại di động;

Bạn có thể cho chạy thử bài giảng E-learning hoặc cho bạn bè, đồng nghiệp tham gia thử để họ đưa ra góp ý cải thiện nội dung và hình thức bài giảng E-learning một cách tốt nhất.

Cuối cùng, khi đã hoàn thiện tất cả, bạn chỉ cần nhấn nút xuất bản video bài giảng. Tùy theo công cụ soạn thảo E-learning mà bạn có thể lưu trữ nội dung lên nhiều nền tảng khác nhau như ổ đĩa máy tính, dữ liệu đám mây hoặc Youtube.

Tóm lại, E-learning là hình thức giáo dục và đào tạo trực tuyến đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp. Do đó, hãy sớm triển khai hình thức này và áp dụng nó để đạt được hiệu quả rõ rệt. Hi vọng với những thông tin trong bài viết trên, bạn đã nắm được các bước làm video bài giảng E-learning hiệu quả, hấp dẫn.

TIN TỨC MỚI