Brand Story (Câu chuyện thương hiệu) giúp kết nối cảm xúc, xây dựng niềm tin, lòng trung thành của khách hàng, tạo ra dấu ấn riêng, giá trị riêng cho một doanh nghiệp. Để tạo một Brand Story thành công đòi hỏi câu chuyện được kể phải chân thực, có nhân vật chính, hành trình và sự phát triển rõ ràng, nêu bật sứ mệnh và giá trị thương hiệu muốn mang lại cho cộng đồng,… cùng với nhiều yếu tố khác.
Brand Story là gì? Có vai trò như thế nào?
Brand Story (Câu chuyện thương hiệu) là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình trên thị trường và trong lòng khách hàng. Trên website của doanh nghiệp hiện nay đã không còn những dòng giới thiệu lịch sử doanh nghiệp đơn giản như trước, mà thay vào đó là những câu chuyện thương hiệu chạm đến cảm xúc người xem.
Brand Story không chỉ thể hiện bản sắc, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mà còn bao hàm cả tầm nhìn, sứ mệnh doanh nghiệp hướng tới, để lại dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Câu chuyện thương hiệu thể hiện sức mạnh và sự uy tín của doanh nghiệp, làm nổi bật thương hiệu so với các thương hiệu khác, định danh và để lại dấu ấn riêng trong lòng khách hàng.
Nội dung câu chuyện là các thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải, hành trình đi lên và xây dựng tên tuổi của thương hiệu. Một Brand Story cuốn hút, kết nối cảm xúc người xem góp phần tạo nên thành công của chiến dịch truyền thông. Các lợi ích mà Brand Story mang lại kể đến như:
- Kết nối cảm xúc: Như đã đề cập, câu chuyện thương hiệu hay, cảm động sẽ là cầu nối cảm xúc người xem với doanh nghiệp. Đặc biệt là khi câu chuyện thành công của chủ thương hiệu được diễn tả một cách chân thực, logic, xen lẫn các yếu tố cảm động giúp thương hiệu trở nên gần gũi hơn.
- Tạo dừng lòng tin: Brand Story ngoài việc giúp doanh nghiệp kết nối cảm xúc với khách hàng mà còn là công cụ tạo dựng sự uy tín và niềm tin với người dùng. Khách hàng tin tưởng và tiếp tục tái sử dụng dịch vụ, sản phẩm sẽ giúp thương hiệu ngày càng phát triển.
- Tạo ra sự khác biệt: Sự cạnh tranh của các thương hiệu trên thị trường ngày càng khốc liệt. Để tạo ra sự khác biệt và để lại dấu ấn, mỗi thương hiệu nên có một câu chuyện riêng. Lúc này Brand Story là công cụ hữu ích giúp bạn tạo ra sự khác biệt đó, vì thế câu chuyện cần được kể sao cho hấp dẫn, chân thực nhất để người xem, người nghe đồng cảm, ấn tượng.
- Khơi nguồn cảm hứng: Câu chuyện thương hiệu không chỉ đề cập đến những sự việc đã qua mà còn truyền cảm hứng về một tương lai tốt đẹp của doanh nghiệp. Khách hàng khi tin tưởng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cũng là đang tham gia vào hành trình tốt đẹp đó.
Xây dựng Brand Story cho doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích, bên cạnh định hình danh tính, tạo dựng lòng tin với khách hàng, câu chuyện thương hiệu lúc này còn là cầu nối, công cụ tạo ra chuyển đổi. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm tốt vấn đề này.
Một số doanh nghiệp gặp khó khăn khi truyền tải sứ mệnh và giá trình mình mong muốn, kể chuyện nhưng không chạm được cảm xúc người đọc, người nghe,… Chính vì vậy, cần xác định rõ giá trị mà doanh nghiệp hướng tới, tôn trọng tính chân thực của câu chuyện nhưng không nên bỏ qua yếu tố sáng tạo giúp nội dung hấp dẫn, cuống hút hơn.
Những yếu tố quan trọng khi xây dựng Brand Story
Để làm rõ hơn những yếu tố quan trọng giúp Brand Story kết nối cảm xúc, tạo ra giá trị tốt đẹp cho doanh nghiệp, dưới đây là nội dung chi tiết hơn:
- Yếu tố chân thực: Câu chuyện thương hiệu đảm bảo chân thực, không thêm các chi tiết ảo, phô trương. Đây là câu chuyện về thương hiệu từ lúc chớm hình thành cho đến phát triển, do đó nội dung phải phản ánh đúng thực tế, đề cập đến các giá trị, văn hóa doanh nghiệp hướng tới. Câu chuyện chân thực sẽ giúp thương hiệu của bạn chiếm được lòng tin của khách hàng.
- Hành trình và quá trình phát triển: Brand Story bắt đầu bằng việc mô tả hành trình xây dựng từ những bước đi đầu cho đến sự phát triển như ngày hôm nay. Đây là điều mà nhiều khách hàng tò mò về thương hiệu, lưu ý hãy đề cập đến những sự kiện quan trọng, các cột mốc lớn trong hành trình để người xem, người nghe nắm được mạch câu chuyện.
- Nhân vật chính: Ngoài doanh nghiệp là nhân vật chính, khách hàng cũng là nhân vật quan trọng trong câu chuyện giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Do đó, khi kể chuyện bạn nên đề cập đến khách hàng, thể hiện rõ vai trò của họ trong hành trình thành công của doanh nghiệp, điều này giúp khách hàng cảm thấy họ thật sự quan trọng đối với doanh nghiệp của bạn.
- Sứ mệnh, giá trị cốt lõi: Đây là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong Brand Story. Để câu chuyện thương hiệu chạm đến cảm xúc khách hàng, câu chuyện truyền tải cần thể hiện rõ sứ mệnh, giá trị thương hiệu luôn tuân thủ.
- Ngôn ngữ cảm xúc: Yếu tố ngôn ngữ được lựa chọn hợp lý, phù hợp giúp câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, dễ dàng kết nối cảm xúc của đối tượng mục tiêu. Khi xây dựng Brand Story doanh nghiệp nên lựa chọn từ ngữ gần gũi, dễ gần, đảm bảo nội dung truyền cảm hứng, thông điệp đúng đến với khách hàng.
- Gợi mở tương lai: Brand Story không chỉ kể chuyện đã qua mà còn gợi mở một tương lai tốt đẹp cho doanh nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng không thể bỏ qua trong câu chuyện thương hiệu. Hãy truyền tải thông điệp về những mục tiêu, hoài bão mà thương hiệu đang hướng tới, để khách hàng cảm nhận được rằng họ không chỉ đồng hành trong quá khứ mà còn có thể là một phần của tương lai.
Các bước để xây dựng Brand Story
Xây dựng Brand Story chạm tới trái tim khách hàng tạo ra nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Tuy nhiên có rất nhiều câu chuyện thương hiệu không đạt được mục đích kết nối khách hàng, ngược lại còn gây ra phản ứng trái chiều ảnh hưởng đến danh tiếng và doanh thu của doanh nghiệp.
Do đó để tạo ra một Brand Story thành công cần có quy trình chuẩn, cùng với tư duy và sự sáng tạo hợp lý. Dưới đây là các bước cần có khi tạo ra một câu chuyện thương hiệu hiệu quả:
Xác định lý do thương hiệu tồn tại
Xác định lý do thương hiệu hình thành và tồn tại đến bây giờ. Ngoài các chi tiết như sản phẩm, dịch vụ, lý do còn liên quan đến giá trị của doanh nghiệp. Hãy trả lời những câu hỏi sau đây để xác định lý do đúng:
- Vì sao thương hiệu ra đời?
- Sự xuất hiện của thương hiệu sẽ giúp thay đổi những vấn đề gì trong cuộc sống của khách hàng?
- Điều gì thúc đẩy giúp bạn khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm, dịch vụ này?
Xác định giá trị cốt lõi của thương hiệu
Đây là bước cực kỳ quan trọng giúp bạn truyền tải câu chuyện thương hiệu một cách sâu sắc, ý nghĩa nhất. Giá trị cốt lõi của thương hiệu lúc này sẽ là những nguyên tắc “bất di bất dịch” mà thương hiệu theo đuổi. Nhờ giá trị cốt lõi, doanh nghiệp có thể định hướng kinh doanh và duy trì sự gắn kết với khách hàng.
Câu hỏi giúp bạn xác định dễ dàng hơn:
- Thương hiệu sẽ đại diện cho điều gì?
- Giá trị không thể thỏa hiệp khi nhắc đến sản phẩm, dịch vụ và chính trải nghiệm của khách hàng?
Tìm hiểu khách hàng mục tiêu
Ngoài các bước kể trên, việc tạo dựng Brand Story thành công còn phụ thuộc vào yếu tố khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ các nhu cầu, mong muốn của khách hàng mục tiêu. Việc hiểu rõ khách hàng sẽ giúp thương hiệu bán hàng hiệu quả hơn, đồng thời góp phần xây dựng chiến lược phát triển trong tương lai.
Một số câu hỏi quan trọng khi tìm hiểu khách hàng:
- Khách hàng của doanh nghiệp là ai?
- Họ đang có nhu cầu gì? Đang tìm kiếm điều gì?
- Những vấn đề thương hiệu có thể giúp họ giải quyết là gì?
Phác thảo hành trình thương hiệu
Phát thảo câu chuyện thương hiệu về hành trình tạo dựng ban đầu đến sự phát triển trong tương lai. Mỗi thương hiệu đều có những “ngày đầu tiên”, khi mà thách thức nhiều hơn thành công. Một số câu hỏi quan trọng cần trả lời như:
- Thương hiệu hình thành như thế nào?
- Những thách thức đã trải qua?
- Các thành công đạt được sau khi vượt qua thách thức là gì?
- Hành trình tạo ra giá trị cho khách hàng như thế nào?
Để câu chuyện thêm phần hấp dẫn, người kể nên đề cập đến giai đoạn khó khăn, những quyết định sống còn để đưa thương hiệu đi lên và đạt được những thành tựu như hiện tại. Đây sẽ là yếu tố giúp Brand Story kết nối cảm xúc, dễ lấy được sự đồng cảm của khán giả.
Xác định nhân vật trong câu chuyện thương hiệu
Với Brand Story, nhân vật chính là thương hiệu, người sáng lập thương hiệu và khách hàng. Trước tiên hãy trả lời:
- Ai là nhân vật chính trong câu chuyện thương hiệu?
- Khách hàng đóng vai trò như thế nào trong hành trình phát triển của thương hiệu?
Xác định sứ mệnh, tầm nhìn thương hiệu
Đừng quên xác định sứ mệnh và tầm nhìn mà thương hiệu muốn duy trì và phát triển ở hiện tại và cả tương lai. Hãy nói rõ những gì thương hiệu của bạn đang nỗ lực thực hiện và cam kết sẽ làm trong tương lai để tiếp tục cải thiện sản phẩm, dịch vụ, và đóng góp cho cộng đồng. Khách hàng không còn là người mua đơn thuần mà họ còn là người đồng hành cùng thương hiệu tạo ra sự khác biệt.
Một vài câu hỏi để giải quyết vấn đề này:
- Sứ mệnh của thương hiệu là gì?
- Những mong muốn mà thương hiệu muốn đạt được trong tương lai?
- Tầm quan trọng của khách hàng đối với hành trình phát triển là gì?
Tạo các kết nối cảm xúc
Brand Story có cảm xúc, chạm đến trái tim khách hàng được gọi là thành công. Câu chuyện sẽ là cầu nối cảm xúc, góp phần tạo dựng niềm tin và sự trung thành của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Đừng quên trả lời các câu hỏi như:
- Câu chuyện của doanh nghiệp mang đến cảm xúc gì cho khách hàng?
- Làm thế nào để biến câu chuyện trở nên cảm xúc hơn?
- Niềm vui và nỗi đau của khách hàng là gì? Cách để tăng niềm vui và giải quyết nỗi đau của họ?
Đảm bảo tính nhất quán từ thông điệp đến kênh truyền thông
Duy trì tính nhất quán trong câu chuyện thương hiệu, ngoài ra còn đảm bảo sự thống nhất nội dung trên các nền tảng doanh nghiệp muốn truyền thông. Chẳng hạn sử dụng mạng xã hội, website, email marketing,… thì nội dung cần tuyệt đối nhất quán. Điều này sẽ giúp thương hiệu của bạn trở nên đáng tin cậy và dễ ghi nhớ hơn.
Kiểm tra và cải thiện khi cần thiết
Brand Story được công bố cần kiểm tra và đảm bảo tính chính xác để tránh ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của khách hàng. Nếu cần thiết phải điều chỉnh nội dung, doanh nghiệp nên cân nhắc bởi thị trường luôn thay đổi, cần nắm bắt xu hướng để bắt kịp thị hiếu của khách hàng.
Một số ví dụ về Brand Story thành công
Các thương hiệu lớn trên thế giới đã có những Brand Story thành công giúp thương hiệu gắn kết khách hàng hiệu quả. Một vài ví dụ điển hình như:
- Apple
Không chỉ tạo ra các sản phẩm công nghệ tiện ích, Apple còn theo đuổi triết lý giúp con người khai phá khả năng sáng tạo của chính họ. Câu chuyện thương hiệu của Apple xoay quanh sự Đổi mới – Sáng tạo với các sản phẩm có thiết kế tối giản nhưng không kém phần tinh tế, sang trọng.
Từ đó, một cộng đồng khách hàng trung thành, luôn tin tưởng sản phẩm của Apple đã được hình thành và không ngừng mở rộng giúp thương hiệu ngày càng lớn mạnh trên thị trường.
Brand Story: Apple bắt đầu từ một garage với giấc mơ tạo ra những thiết bị thay đổi thế giới. Sản phẩm của họ luôn tập trung vào việc đơn giản hóa trải nghiệm người dùng và giúp họ thực hiện những công việc sáng tạo nhất. Triết lý “Think Different” không chỉ là một khẩu hiệu, mà là câu chuyện về việc Apple tạo ra công nghệ tiên phong giúp con người đạt được những điều không thể.
- Coca-Cola
Coca-Cola xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn với sự Vui vẻ – Kết nối – Chia sẻ. Chính vì thế câu chuyện thương hiệu của Coca-Cola không chỉ nói về sản phẩm nước uống của họ mà còn gắn liền với những khoảnh khắc vui vẻ của gia đình, những cuộc vui bên người thân, bạn bè, giúp công ty trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về ngành công nghiệp nước giải khát. Câu chuyện của Coca-Cola vẫn tiếp tục phát triển và thu hút hàng triệu người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Brand Story: Từ khi ra đời vào năm 1886, Coca-Cola đã trở thành biểu tượng toàn cầu, gắn liền với những khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống, đặc biệt qua các chiến dịch như “Open Happiness” và “Taste the Feeling”. Họ xây dựng hình ảnh thương hiệu thông qua sự gắn kết cá nhân, như chiến dịch “Share a Coke”, và biểu tượng hóa các dịp lễ hội. Coca-Cola cũng cam kết phát triển bền vững, không ngừng củng cố thông điệp tích cực và sự kết nối trong cộng đồng.
Tóm lại, Brand Story là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng và duy trì một thương hiệu. Nó không chỉ là câu chuyện về sản phẩm hay dịch vụ mà còn thể hiện các giá trị, sứ mệnh và triết lý tốt đẹp của thương hiệu. Một Brand Story thành công giúp tạo dựng sự kết nối cảm xúc sâu sắc với khách hàng, xây dựng lòng trung thành và tạo ra sự khác biệt trên thị trường.